Robusta cà phê Việt Nam

Khó có một loại cà phê nào được xác định là ngon nhất mà chỉ có cái “gu” uống cà phê của chính chúng ta quyết định loại nào mang lại cho chúng ta nhiều cảm hứng nhất.

Trên thế giới, Arabica chiếm khoảng 80% chủng loại cà phê, được trồng nhiều ở các nước Nam – Trung Mỹ như Brazil, Colombia, Mexico, một số nước Châu Phi…Khoảng 20% còn lại là loại Robusta được trồng nhiều nhất tại một số nước nhiệt đới xích đạo, trong đó có Việt Nam. Có thể thấy, xét về sản lượng cung cấp cho thị trường toàn cầu, hạt cà phê Robusta tương đối “hiếm” so với Arabica.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã “ghi danh” trên thị trường cà phê thế giới với vị thế là nước xuất khẩu cà phê số 1 (phần lớn là Robusta). Vị trí này là một niềm tự hào, một tín hiệu lạc quan đối với những người yêu cà phê Việt Nam nói chung. Nếu chia thế giới cà phê theo hai thái cực Arabica và Robusta, Việt Nam sẽ là “cường quốc” Robusta, và vị trí còn lại “cường quốc” Arabica thuộc bề Brazil.
Đứng đầu thế giới về sản lượng Robusta xuất khẩu không có nghĩa là Việt Nam không thể trồng được Arabica chất lượng. Hạt Arabica đòi hỏi điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng đặc biệt của vùng núi, cao nguyên xứ ôn đới mà hiếm vùng đất nào ở Việt Nam có thể đáp ứng, trừ Khe Sanh - Quảng Trị, vùng núi Tây Bắc và cao nguyên Cầu Đất - Lâm Đồng. Trong số đó, Cầu Đất được xem là thủ phủ của Arabica Việt Nam với độ cao so với mặt nước biển vượt trội so với những vùng còn lại, nhiệt độ mát mẻ phù hợp cho ra đời hạt Arbica chất lượng nhất, được mệnh danh là “nữ hoàng cà phê”. Vì lẽ đó, hiện tại cà phê Cầu Đất được giới chuyên môn xếp vào hàng cà phê đặc sản (specialty coffee).